Tìm hiểu lịch sử 22 năm Symbian OS

DragonVct

Điều hành diễn đàn
Tham gia
18 Tháng tư 2010
Bài viết
1,652
Điểm tương tác
3
symbian_foundation_logo1.jpg


Tinhte - Tuy đã đánh mất khá nhiều thị phần trên thị trường điện thoại thông minh nhưng Symbian vẫn là hệ điều hành phổ biến nhất ở nước ta. Trải qua hơn 22 năm thăng trầm, Symbian đã ghi được nhiều dấu son trong lịch sử ngành công nghiệp di động nhưng cũng có những cột mốc đáng quên. Mời các bạn cùng tìm hiểu những phiên bản Symbian qua các thời kỳ.


Khởi đầu với Psion:

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, công ty Anh Quốc Psion đã cho ra đời một hệ điều hành dành riêng cho các thiết bị di động với tên gọi EPOC. Cái tên EPOC xuất phát từ epoch, có nghĩa là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” trong tiếng Anh. Sau đó, Psion tiếp tục cho ra mắt các phiên bản EPOC16 đựa trên điện toán 16bit và sau đó là bản EPOC32. EPOC16 là hệ điều hành hỗ trợ đa nhiệm ngay từ đầu và nó được phát triển cho CPU 8086 nổi tiếng của Intel. Các thiết bị chạy EPOC16 được ra mắt vào năm 1989.

psion_series_3.jpg

Psion Series 3

Sau một vài năm thành công với EPOC16, Psion nhận thấy họ buộc phải tạo ra một nền tảng mới, tự hoàn thiện hệ điều hành của mình nếu muốn thành công hơn. Và như vậy, EPOC32 dựa trên kiến trúc 32bit đã ra đời. Chỉ trong vòng hơn 2 năm ngắn ngủi, các kỹ sư tài năng tại Psion đã viết được một nền tảng hoàn toàn mới và là tiền thân của hệ điều hành có hơn 250 triệu người dùng hiện nay.

EPOC32 ra mắt vào năm 1997 đã được phát triển cho các bộ vi xử lý trên nền ARM ngay từ đầu, nền tảng phù hợp hơn cho di động và vẫn được sử dụng mãi đến ngày hôm nay. Điều này có nghĩa EPOC32 có thể sử dụng với các dòng chip ARM7, ARM9, Strong ARM và Intel XScale mà không gặp nhiều khó khăn. Vào thời điểm EPOC32 ra đời, Psion vẫn vừa viết phần mềm vừa bán phần cứng với 5 loại máy khác nhau. EPOC32 tiến bộ hơn EPOC16, nó được viết trên ngôn ngữ C++ thay cho C. EPOC32 có tên mã là Protea, một tên mã sản phẩm khá nổi tiếng mà bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn trên tạp chí The Register với loạt bài khoảng 10 trang.

series5.jpeg

Và Series 5

Chết như IBM hay chết như Apple?

Ở thời điểm những năm đầu thập niên 90, tuy đã có những thành công nhất định nhưng Psion vẫn còn đó các vướng mắc cần giải quyết. Psion tuy mới chỉ là 1 công ty nhỏ nhưng tham vọng của họ là rất lớn, nhà sản xuất Anh đã nhìn thấy tiềm năng của mạng di động GSM và quyết định đầu tư sản xuất điện thoại bên cạnh PDA (thiết bị trợ giúp cá nhân số) truyền thống. Tuy nhiên, quá trình phát triển EPOC32 và mong muốn mua lại công ty Amstrad với mức giá cao hơn 4 lần doanh thu hàng năm đã làm Psion kiệt sức, họ buộc phải đưa ra những lựa chọn khác nhau để giúp công ty tồn tại.

Một phóng viên của Sunday Times đã hỏi các lãnh đạo cao cấp của Psion là họ nghĩ công ty sẽ chết như IBM, không chịu bán bản quyền phần mềm cho các hãng thứ 3 (Microsoft đã bán và trở thành công ty phần mềm lớn nhất thế giới!) để rồi mất nguyên thị trường PC hay chết như Apple (vào cuối những năm 90, Apple cho phép các công ty máy tính giá rẻ sử dụng hệ điều hành của mình và suýt nữa bị chính các công ty này giết chết vì có giá rẻ hơn so với máy của hãng) khi bán bản quyền quá chậm và không kiểm soát được tình hình. Câu hỏi đã gây ra 1 ấn tượng rất lớn và đã có nhiều tranh cãi nổ ra. Cuối cùng, Psion quyết định tách công ty thành các bộ phận phần cứng và phần mềm riêng biệt (giống như Palm làm sau này), bộ phận phần mềm sẽ tiếp tục với EPOC trong khi phần cứng có thể sử dụng bất cứ nền tảng nào họ thích.

Như vậy, Psion đã phải cật lực hoàn thành EPOC32 dưới sức ép của ban lãnh đạo công ty và đặc biệt là mối nguy hiểm đến từ Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang vào giai đoạn sung sức sau thành công với Windows và sẵn sàng mở rộng ra địa hạt di động. Thực tế thì Microsoft đã đặt hàng trăm sản phẩm Series 3 của Psion để nhân viên của họ có thể nguyên cứu kỹ càng hơn cho 1 dự án có tên gọi Pegasus mà chúng ta biết với tên gọi Windows CE sau này. Ngoài ra, quá trình phát triển EPOC32 cũng gây được nhiều chú ý từ Nokia. Vào năm 1994, Psion và ARM đã trình diễn cho Nokia ý tưởng về một thiết bị đa phương tiện của tương lai, và may mắn thay, Nokia đã bị cuốn hút để rồi hiện thức hóa tầm nhìn của Psion, xây dụng EPOC32 thành nền tảng phổ thông cho tất cả mọi người.

nokia9000.jpg

Nokia 9000 Communicator

Nhưng đời không như là mơ, vào thời điểm đó thì việc lựa chọn EPOC32 vẫn đang được Nokia cân nhắc vì họ vẫn đang theo đuổi 1 nền tảng khác là GEOS, nền tảng sử dụng trên chiếc Communicator đầu tiên Nokia 9000. 9000 đã gây được 1 tiếng vang lớn và theo lời giám đốc Psion thì “một trong những điều khó khăn nhất trên thế giới là bảo với ai đó họ đang làm sai trong khi thực tế họ đang thành công”. Các cuộc chạm chán của nhân viên Psion và GEOS diễn ra khá khốc liệt tại văn phòng Nokia để rồi cuối cùng, hãng điện thoại Phần Lan quyết tâm đầu tư vào EPOC32 vốn chưa hoàn thiện cho các máy Communicator sau này. Dù vậy, Nokia vẫn có những chần chừ nhất định mà vấn đề đó chỉ được giải quyết khi Microsoft nhảy vào cuộc chơi!

Tại hội nghị Comdex 1996, Microsoft đã chính thức cho ra mắt dự án Pegasus (Windows CE) và ký kết các hợp đồng với Casio để sản xuất phần cứng. Nắm bắt cơ hội, Psion đã làm cho Nokia hiểu là công ty Phần Lan không thể giao số phận của mình vào tay Microsoft.

Nhưng chỉ 6 tháng sau khi ra mắt Series 5 sử dụng EPOC32, một vài giám đốc của Psion lại cho rằng họ không đủ khả năng cạnh tranh với Microsoft quá hùng mạnh. Đã có rất nhiều tranh luận nảy lửa xảy ra ở văn phòng của hãng để rồi cuối cùng, 1 số thành viên đã đến gặp Nokia và cho biết họ đủ khả năng tách công ty phần mềm ra khỏi Psion. Sau đó, Nokia kêu gọi thêm Ericsson gia nhập cuộc chơi và Psion mời Motorola. Vào đầu tháng 5, sau khi cân nhắc kỹ lượng thì Psion, Nokia và Ericsson đã thành lập một kế hoạch với tên gọi Saturn để phát triển EPOC32, chưa cho phép Motorola tham dự.

Symbian chính thức ra mắt:

Nếu như các lãnh đạo của Psion thất bại trong việc chia cắt công ty, hẳn lịch sử ngành công nghiệp điện thoại sẽ bị thay đổi và Psion chỉ là 1 trong nhiều cái tên bị quên lãng. Thật may mắn, ngân hàng Goldman Sachs nhận ra chỉ riêng công ty phần mềm Psion đã trị giá 100 triệu bảng và kéo nó quay lại cuộc chơi. Vào sáng ngày 24/6/1998, cái tên Symbian đã chính thức ra mắt sau nhiều cân nhắc giữa Edgware (tên đường nơi Psion đặt trụ sở) hay Everyware.

Ngay trước khi Symbian ra mắt chính thức, có 2 việc mà Psion, Nokia và Ericsson phải thực hiện: mời gọi Motorola và phản hồi Microsoft về đề nghị hợp tác. Nokia và Ericsson đã quá mệt mỏi với thói quan liêu của Motorola ở thời điểm đó (không còn mạnh mẽ như khi còn mạng 1G mà chỉ chiếm 1/3 thị trường 2G GSM) và lo ngại công ty này có thể đưa tiến trình hợp tác trật đường ray. Dù vậy, dưới sự nỗ lực của Psion thì Motorola cũng được mời, họ chỉ có 48 tiếng để quyết định với lời hứa không ai có thể biết Motorola bị “đá” ra khỏi cuộc chơi ngay từ đầu. Tính đến này, hầu hết chúng ta vẫn tưởng rằng Motorola sáng lập chung với 3 công ty còn lại nhưng có lẽ bạn đã hiểu sự thật sau bài viết này.

99_Symbian-chet-vi-ai-.jpg


Cuối cùng, Motorola đã đồng ý và chúng ta có Symbian như hiện tại. Nhưng vẫn còn 1 việc nữa phải làm, vị giám đốc điều hành huyền thoại của Nokia là Olli-Pekka Kallasvuo (OPK) đã phải gọi điện cho Bill Gates thông báo về tin tức Symbian. Sau này, OPK cho biết đây là cuộc gọi tệ nhất trong suốt cuộc đời làm việc của ông, Bill Gates không kiềm chế nổi, liên tục la hét và khó chịu.

Psion Software chính thức trở thành Symbian Ltd., một liên minh gồm 4 công ty kể trên. Sau đó, Symbian phát triển cực nhanh khi mà họ thu phí quá rẻ cho mỗi bản quyền hệ điều hành bán ra, vào khoảng 5$ cho điện thoại và 10$ cho Communicator. Để so sánh, một lãnh đạo Symbian cho biết ông “nghe nói” Microsoft tính phí 55$ cho 1 thiết bị.

Có lẽ chúng ta sẽ dừng câu chuyện này ở đây vì nếu kể hết thì chúng ta sẽ tốn hơn 10.000 từ cho chúng. Nếu bạn muốn có thể tìm hiểu thêm và cuộc chiến nội bộ Symbian hay các vấn đề liên quan ở link nguồn The Register cuối bài viết, không nhiều, chỉ khoảng 22 trang mà thôi!

Symbian 5.0:

Thật ra Symbian 5.0 không phải là tên gọi chính thức mà nó chính là bản EPOC Release 5 (ER5) trên nền EPOC32 sau khi người ta đã có các bản Symbian 6.0, 7.0... sau này. Chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng Symbian không phải đến từ Nokia mà của Ericsson, chính là R380 một thời đình đám vào năm 2000. R380 không thể cài đặt thêm các phần mềm từ bên ngoài và gặp khá nhiều hạn chế.

clip_image002.gif

Giao diện của Ericsson R380

Symbian 6.0


Đây là phiên bản Symbian chính thức được đặt tên đầu tiên và nó được sử dụng trên chiếc Nokia 9210 Communicator vào tháng 6 2001. Ngay trong năm thì đã có hơn 500 ngàn máy Symbian được bán ra thị trường và 2,1 triệu trong năm tiếp theo. 9210 Communicator là sản phẩm Symbian đầu tiên cho phép chúng ta cài đặt phần mềm từ bên thứ 3.

Trong thời diểm Symbian 6.0 hay EPOC32 ra mắt thì các nhà phát triển đã đưa ra 2 dòng máy tham chiếu (Device Family Reference Design DFRD) chính là Quartz và Crystal, sau đó 2 dòng này lại được hết hợp với mẫu tham chiếu Ronneby của Ericsson để trở thành nền tảng cho hệ điều hành Symbian UIQ sử dụng bút cảm ứng sau này cũng như phát triển thành các thiết bị chạy Series 80 của Nokia.

Tiếp đó, DFRD lại tiếp tục phát triển thêm 3 mẫu Ruby, Sapphire và Emerald và kết hợp chính thành Pearl, mẫu cơ bản cho Series 60 của Nokia. Như đã nói ở trên, quá trình đưa ra DFRD khá là phức tạp và có rất nhiều chuyện trong đó không thể kể ra vì quá nhiều, các bạn có thể tham khảo ở link nguồn. Và 7650 chính là chiếc điện thoại đầu tiên được dùng Pearl với Symbian OS 6.1, hỗ trợ camera VGA, cảm biến ánh sáng, mạng 2,5G và khe cắm thẻ nhớ ngoài.

pearl1.jpg


Bản mẫu Pearl

Symbian 7.0 và 7.0s:

clip_image004.jpg


Bản Symbian 7.0 là một phiên bản cập nhật cực kỳ quan trọng vì nó hội tụ đủ tất cả các giao diện người dùng của Symbian, từ UIQ, Series 80, 90, 60 và rất nhiều các mẫu điện thoại FOMA của Nhật Bản. Symbian 7.0 được ra mắt vào năm 2003, mở rộng khả năng hỗ trợ đa phương tiện, Java MIDP 2.0, cho phép nhiều ứng dụng kết nối mạng cùng một lúc (chẳng hạn như duyệt web và email). Chính vì những thay đổi này mà Symbian đã có các bước tiến triển vượt bậc, bán được gần 1,2 triệu máy chỉ trong quý 1 năm 2003 so với 2 triệu máy cả năm 2002 trước đó. S60 2nd Edition và 2nd Edition feature pack 1 (FP1) của Nokia chính là dựa trên nền tảng Symbian 7.0 này.

Symbian 8.0:

clip_image0071.jpg


Vào thời điểm Symbian 8.0 chưa ra mắt, điện thoại thường chứa 2 bộ xử lý/2 con chip riêng biệt hoặc 2 hệ điều hành nhỏ riêng biệt để xử lý các thông tin về hệ điều hành và các giao tiếp mạng một cách độc lập. Symbian 8.0 ra đời đã cho phép xử lý đồng thời cả 2 luồng dữ liệu này, qua đó giảm thiểu chi phí sản xuất điện thoại và giảm giá thành thiết bị đầu cuối. Ngoài ra, một số những thay đổi lớn khác có thể kể tới là hỗ trợ Java tốt hơn, hỗ trợ OpenGL ES và đặc biệt là SDIO (Secure Digital Input Output), cho phép bổ sung thêm các tính năng như truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-H hay đọc vân tay. Symbian 8.1 ra mắt sau đó chỉ cải thiện một chút so với bản 8.0.

Chiếc điện thoại đáng nhớ nhất của thời đại 8.0 là Noia 6680 với mạng 3G và chức năng video call. Sau đó, Symbian 8.1 ra mắt với chiếc N90 năm 2005, sản phẩm mở đầu cho thế hệ Nseries danh tiếng. Các giao diện S60 2nd Edition FP2 và FP3 chính là dựa trên Symbian 8.0 và 8.1.

Symbian 9.0 và 9.1:

clip_image010.jpg


Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi lạ với Symbian 9.0 vì đây là phiên bản Symbian không bao giờ được ra mắt mà chỉ dùng để thử nghiệm trong nội bộ Nokia. Symbian 9.1 mới chính là phiên bản phát hành ra thị trường và gây rất nhiều “khổ sở” cho người dùng Việt Nam vì nâng cao tính bảo mật, hạn chế cài các phần mềm ...... Một vài thay đổi khác là hỗ trợ HSDPA, Wi-Fi tích hợp và Bluetooth 2.0. Cái tên bạn cần nhớ là S60 3rd nhé!

Symbian 9.2, 9.3, 9.4 và 9.5:

clip_image010.jpg


Bản Symbian 9.2 ra mắt vào quý đầu tiên năm 2006, hỗ trợ OMA và những đại diện nổi tiếng có thể kể đến là Nokia N95, Nokia E90 hay E71.

Symbian 9.3 xuất hiện vào giữa 2006 cùng với 5320 Xpress Music, E75, N96... tăng cường quản lý bộ nhớ hiệu quả hơn, hỗ trợ mạng HSPA và Wi-Fi 802.11 tốt hơn các bản cũ. Nokia S60 3rd FP1 dựa trên Symbian 9.2 và FP2 là 9.3.

Symbian OS9.4 là một bản thay đổi quan trọng và nó chính là S60 5th. Có thể bạn chưa biết nhưng OS9.4 chính là tiền thân của các bản Symbian^ sau này, nó là Symbian^1. Symbian OS 9.4 quan trọng là vì nó hỗ trợ độ phân giải màn hình cao, trải nghiệm Internet tốt hơn. Nokia 5800 Express Music chính là chiếc máy đầu tiên dùng OS 9.4.

9.5 là bản cập nhật Symbian cuối cùng vào tháng 3-2007 với việc sử dụng tài nguyên hệ thống ít hơn, giảm thiểu thời gian khởi chạy ứng dụng và hệ điều hành.

Về với Nokia:


symbian.jpg


Vào năm 2008, Nokia đã mua lại Symbian Ltd., công ty từng có thời điểm được định giá 2 tỷ Euro và quy tụ tất cả nền tảng lại cùng một mối. Sau đó, Symbian Foundation được ra đời vào tháng 4 2009 với mong muốn biến Symbian thành một nền tảng mở. Dù vậy, tháng 11/2010, Symbian Foundation cho biết họ không lãnh trách nhiệm phát triển nữa mà chỉ cung cấp bản quyền cho các đối tác thôi, việc phát triển sẽ do chính Nokia đảm nhận.

Symbian^2:

Symbian^2 là hệ điều hành chưa bao giờ xuất hiện trên thế giới ngoại trừ Nhật Bản. Đây là hệ điều hành mã nguồn mở đầu tiên của Symbian Foundation và chỉ dành riêng cho các thành viên của liên minh này. Các mẫu máy Symbian^2 do Sharp và Fujitsu phát triển cho nhà mạng NTT Docomo vào năm 2010 với những tính năng cao cấp như camera 13,2MP, quay phim FullHD, thân máy chống nước hay cho phép làm access point WiFi. Symbian^2 dựa trên Nokia S60 5.1.

Symbian^3:

Mãi đến bản ^3 thì cái tên Symbian^ mới được phổ biến. Symbian^3 chính thức giới thiệu vào tháng 2/2010 với những thay đổi lớn trong 3 nội dung chính: Giao diện đồ họa người dùng, Đa phương tiện và hiệu năng. Nokia N8 là điện thoại Symbian^3 đầu tiên và nó cũng hỗ trợ xuất tín hiệu qua cổng HDMI, cho phép chạm 1 lần để thao tác thay vì 2 lần như các máy trước đó đồng thời mang lại khả năng cảm ứng đa điểm.

Symbian^4:

symbian_anna_screenshot_verticale%201.jpg

Giao diện của Anna

Symbian^4 là phiên bản yểu mệnh và nó không bao giờ được ra mắt. Thay vào đó, chúng ta có sự xuất hiện của Symbian Anna, một bản nâng cấp của Symbian^3. Symbian Anna và Symbian^3 ra mắt cùng với Qt, một nền tảng cho lập trình viên với lời hứa hẹn chỉ cần lập trình một lần và sẽ chạy trên tất cả các nền tảng hỗ trợ Qt.

Symbian Belle:

img-1314194511-1.jpg

Symbian Belle

Symbian Belle là bản nâng cấp mới nhất của Symbian và nhiều người tin rằng nó chính là Symbian OS 10.1. Belle hỗ trợ rất nhiều các tính năng mới về giao diện người dùng, về thanh cảnh báo Status Bar, hỗ trợ tốt hơn công nghệ NFC và 6 màn hình chủ thay vì 3 như trước kia. Nokia cho biết tất cả các máy bán ra chạy Symbian^3 sẽ được nâng cấp lên Belle vào quý 4 năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như bạn sẽ phải chờ tháng 1 năm sau để thưởng thức phiên bản này.

Symbian Carla và Symbian Donna sẽ có thông tin trong thời gian tới.


Tổng hợp từ The Register 1,2,3,4, Wikipedia, Propakistani, Brighthand, SymbianBlog 1,2,3,4
cvt.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Bên trên