Cam thảo dùng trong các Đông y, có tác dụng giải độc rất mạnh. Nhưng cam thảo chỉ nên uống 1 liệu trình 7-14 ngày, nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù nề, nặng mặt, tăng huyết áp.
Cam thảo còn gọi là bắc cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão. Tên khoa học Clycyrrhiza uralensis fish và Glycyrrhixa glabra L. Thuộc họ cánh bướm Fabaceae. Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây cam thảo nguồn gốc vùng Uran hay cây cam thảo châu Âu. Tên cam thảo vì cam là ngọt, thảo là ** tức ** có vị ngọt.
Không nên tùy tiện dùng cam thảo
Các kết qủa nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, cam thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ, tăng trọng lượng và sức dẻo dai của cơ thể, giảm cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch, giải độc, bảo vệ gan, giảm đau, chống vi rút, chống viêm, ức chế sự phát triển tế bào ung thư, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể...
Cam thảo là vị thuốc được đại danh y Trung Quốc Lý Thời Trân tôn vinh là "Quốc lão", nghĩa là vị thuốc có công lao rất lớn. Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ trung ích khí (xúc tiến tiêu hóa), hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.
Đặc biệt là tác dụng dược lý như giải độc rất mạnh đối với độc tố của bạch cầu, chất độc của cá lợn, của rắn, hiện tượng choáng. Cam thảo có khả năng giải chất độc của độc tố uốn ván. Cam thảo có tác dụng gần như coctison tăng sự kích tích nước và muối NaCl trong cơ thể gây ra thủy thũng, đồng thời trị các vết loét trong bộ máy tiêu hóa.
Nó là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y, ngoài ra nó còn được dùng trong kỹ nghệ thuốc lá, nước giải khát và chế thuốc chữa cháy.
Cam thảo được sử dụng rộng rãi trong các phương thuốc Đông y, do có tác dụng điều hòa các vị thuốc, kéo dài thời gian tác dụng và làm giảm bớt độ độc của các vị thuốc khác. Cam thảo dùng cùng với thuốc ấm thì bớt nóng, dùng với thuốc mát sẽ bớt lạnh; "bổ" không đột ngột, "tả" không quá mãnh liệt.
Trong y học, ngoài công dụng làm cho thuốc ngọt cho dễ uống, làm tá dược chế thuốc viên, thuốc ho, thuốc giải độc, hiện nay cam thảo có hai công dụng chủ yếu đó là chữa loét dạ dày và ruột: Ngày uống 4g, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống liền 7 - 14 ngày, sau đó nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù nề, nặng mặt.
Cam thảo có độ độc rất thấp, nhưng dùng lâu có thể sinh phù thũng và tăng huyết áp.
Cam thảo cũng có thể gây đầy bụng, nên những người bụng trướng đầy do thấp trệ không nên dùng. Sách "Bản thảo kinh tập chú" viết: Cam thảo "phản" đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo, không được dùng chung.
Dùng cam thảo không đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể, cụ thể sử dụng cam thảo dài ngày vì trong cam thảo có chứa 6 - 14%, cá biệt có loại chứa đến 23% glycyrizin, là chất có vị ngọt gấp 50 lần đường saccaroza, khi qua đường miệng có độc tố yếu. Nếu uống quá nhiều cam thảo đặc sẽ gây tăng huyết áp, giảm kali trong máu. Vào mùa hè, nhiều người sử dụng nhân trần và cam thảo để làm nước uống hàng ngày, điều này hoàn toàn sai lầm.
Theo Đông y, nhân trần có vị cay, đắng, tính hàn dùng để mát gan, giảm đau đầu, cảm nhiệt. Cả cam thảo và nhân trần đều có những tác dụng tốt nhưng khi phối hợp lại với nhau sẽ gây hại, bởi cam thảo có tính chất giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
Chính vì vậy, thói quen uống nhân trần cho thêm cam thảo tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là bệnh tăng huyết áp.
Những ai không nên dùng cam thảo?
Cam thảo kết hợp với nhân trần có thể gây ra ít sữa hoặc mất sữa ở phụ nữ có thai, ngoài ra, do nhân trần có tính lợi tiểu nên sẽ thải nhiều, các chất dinh dưỡng và lượng nước bị thải thường xuyên sẽ mất chất dinh dưỡng để nuôi nhau, khiến thai bị suy dinh dưỡng, dễ bị đẻ non và dị tật thai nhi.
Đối với nam giới, nếu dùng cam thảo với liều lương trên 8g/ngày trong thời gian kéo dài sẽ gây bất lực, giảm miễn dịch, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày.
Các trường hợp như viêm thận, người bị tăng huyết áp, huyết áp không ổn định cũng không nên dùng cam thảo. Những người bị táo bón lâu ngày, người cao tuổi, người viêm phế quản, ho nhiều, khó thở cũng tốt nhất không nên sử dụng cam thảo.
Các trường hợp khác, mỗi ngày chỉ nên dùng một gói trà có cam thảo, không nên dùng những loại trà chưa cam thảo như trà bát bảo, nhân trần thay nước lọc.
Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ. Đáng quan tâm nhất là các triệu chứng tăng bài tiết kali, giữ nước, tăng huyết áp.
Nhiều thí nghiệm cho biết dùng dài hạn (trên hai tuần) sản phẩm có chứa glycyrrhizic axit với liều khoảng 500mg mỗi ngày (tương đương khoảng 10g cam thảo) có thể gây ra những phản ứng trên. Cũng có tài liệu cho biết dùng đến 50g cam thảo/ngày trong hai tuần mới dẫn đến huyết áp cao đáng kể. Một quan điểm khác thì cho rằng phần lớn các trường hợp giữ nước, tăng huyết áp rơi vào những người ăn quá nhiều kẹo chứa cam thảo.
Một số nghiên cứu hiện đại cũng đã kết luận, dùng cam thảo hằng ngày (8g/ngày) trong thời gian dài có thể làm giảm lượng testosteron, gây bất lực cho nam giới, đồng thời làm giảm miễn dịch, gây phù toàn thân, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày.
Kể cả các trường hợp viêm thận có các biểu hiện phù mí mắt, tiểu ít...; các trường hợp viêm gan, xơ gan... đã có biểu hiện phù nề cũng không nên dùng cam thảo.
Đối với những người đang uống thuốc Tây, người bị bệnh, khi dùng cam thảo phải hỏi ý kiến bác sĩ, đề phòng các tương tác xấu.