Phải đối phó thế nào khi gặp trộm, cướp?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy cấp. Điều này cũng giống như việc giáo dục các em bé không nên nhảy xuống sông cứu bạn luôn nếu thấy nguy hiểm mà phải tìm người lớn đến giúp, như vậy là tránh thêm một cái chết nữa có thể xảy ra. Vậy phải đối phó thể nào khi gặp phải các tình huống đối mặt với các đối tượng trộm, cướp? Câu trả lời được nhiều người tán thành đó là hãy tự học cách bảo vệ mình đơn giản nhất và giáo dục trẻ em làm theo. Như vậy, xã hội sẽ không giật mình vì những cái chết quá thương tâm và đau đớn. Một cán bộ của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) cho rằng: Thông thường khi tội phạm xông vào uy hiếp đe dọa gia chủ, bạn cần phải bình tĩnh bảy tỏ thái độ hợp tác làm theo mọi yêu cầu của bọn cướp bằng cách không nên có những hành động bất thường và giữ cho đôi tay của bạn luôn ở trong tầm mắt của bọn cướp để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối. Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp (nếu có), chiều cao, dáng dấp gầy hay béo… Nếu có thể, bạn cũng nên bình tĩnh thương thuyết với tên cướp để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng nhằm mục đích sau này cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo cho cảnh sát hoặc bảo vệ, đồng thời không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường.
Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Vũ Hà thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý Hạnh Nguyên, về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ gây nên thảm sát nếu gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động. Do vậy khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Lúc này bạn đừng xem trọng số tài sản của mình mà hãy xem như “của đi thay người”. Trong những tình huống như vậy cần phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo. Không nên mất cảnh giác trước tình huống nguy hiểm là đang đối đầu với một tên tội phạm có hung khí trong tay. Tên cướp khi bị dồn vào đường cùng có thể liều mạng. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy truy hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Một cán bộ của Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, CA TP Hà Nội cho biết: trên thực tế rất nhiều người chủ quan trong việc gìn giữ, bảo quản tài sản của mình. Nhiều phụ nữ khi mất tài sản đến phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH trình báo đều cho biết nhiều khi chủ quan, nghĩ chỉ đi một đoạn đường ngắn nên “ngại” cho túi vào trong cốp hay treo cẩn thận mà có khi “vứt” ngay dưới sàn xe. Bên cạnh đó, nghe điện thoại khi tham gia giao thông cũng góp phần tạo sơ hở cho các đối tượng cướp giật ra tay. Để đối phó với những tình huống này khi bạn đang chạy trên đường khuya hoặc vắng, nếu cảm thấy có người đang theo dõi hoặc người lạ chay theo hỏi chuyện, tốt nhất bạn không nên trả lời bất cứ câu hỏi nào và tăng ga chạy nhanh hơn qua đoạn vắng hoặc dừng lại tại các nhà, hàng quán, công ty… có đông người bên đường. Bạn cũng có thể nói cho những người bạn đang trò chuyện biết nếu bạn đang bị cướp và nhanh chóng gọi điện cho người thân trợ giúp nếu như bạn còn một đoạn xa nhà.