Bàn thờ Tổ tiên với cội nguồn văn hóa dân tộc

Alpha

Tiểu thương mới
Tham gia
18 Tháng tám 2007
Bài viết
5
Điểm tương tác
0
Có thể hiểu nôm na tín ngưỡng là niềm tin thành kính. Người Việt trong quá trình phát triển, từng cộng đồng có tiếp thu tôn giáo này hay tôn giáo khác từ bên ngoài truyền vào; nhưng từ xa xưa, và đồng thời với những tín điều của tôn giáo đang theo, vẫn có một tín ngưỡng thờ Tổ tiên.

Cộng đồng lớn các dân tộc có Tổ chung là các Vua Hùng với nơi thờ là đền Hùng, ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba mọi người đều mong được đến thắp hương tưởng niệm. Với đơn vị tụ cư là làng, thì dân trong mỗi làng có một tổ chung là Thành hoàng mà nơi thờ là đình làng. Đình làng thường được xây dựng ở trước làng, nhận cái thế đất thuận với dòng chảy của nước và hướng thổi của gió (phong thủy). Ở đó, hàng năm có những lễ hội để dân làng cộng cảm mong một sự che chở chung. Cũng thế những người cùng nghề lại có chung nhà thờ Tiên sư là vị tổ nghề. Trong khi đó cộng đồng cùng huyết thống lại có một ông tổ họ và nơi tưởng niệm là nhà thờ họ. Tuy nhiên, đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình, ở đó thông thường có vài thế hệ đang sống chung dưới một mái nhà, và cùng thờ những bậc Tổ tiên gần của mình là cha mẹ, ông bà và cụ cố.

Như vậy mỗi người đang sống đều là thành viên của những cộng đồng có quy mô khác nhau, mỗi loại cộng đồng có những vị Tổ riêng, nhưng tất cả mọi người đều có một niềm tin chung là tín ngưỡng Tổ tiên và do vậy cần phải có nơi thờ Tổ tiên. Nơi thờ ấy là đền, đình, nhà thờ họ, nhà thờ Tổ nghề và nhà ở của gia đình, nguyên là trong những công trình kiến trúc trang trọng nhất của mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân. Tại những công trình ấy, bàn thờ Tổ tiên luôn ở trong nhà, nghĩa là thuộc nội thất.

Từ thờ Quốc Tổ đến thờ cha mẹ đó là một truyền thống đạo lý rất đẹp, một nét khái quát, song gắn bó với mỗi gia đình là bàn thờ gia tiên mà nhà nào cũng có.

Với người Việt, trong mỗi khuôn viên bao giờ cũng có một ngôi nhà chính dùng vào những việc quan trọng như thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt, ngủ và cất chứa tài sản quý. Ngôi nhà ấy thường có số gian lẻ, hay trừ phần làm buồng thì số gian nhà ngoài là số lẻ, và như thế bao giờ cũng có một gian giữa. Chính phía trong của gian giữa bao giờ cũng được dành làm nơi thờ, còn phía ngoài là nơi tiếp khách quý. Đây là trung tâm của nội thất, chỗ trang trọng nhất, các sinh hoạt khác có diễn ra ở gian bên cũng đều hướng về đấy. Gian giữa lại luôn có cửa lớn ra vào, mở cửa là nhìn thấy trời đất lưu thông, âm dương hòa đồng để rồi cảm hoá lẽ đời.

Bàn thờ Tổ tiên của người Việt cũng phần lớn hướng Nam, hàm ý con cháu tôn vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày).

Tuỳ quy mô ngôi nhà, và cũng tuỳ mức sống chủ nhà mà bàn thờ có kích thước và hình thức khác nhau. Những gia đình bần bách, nhà tranh vách đất với những đồ đạc trong nhà cũng đơn sơ, thì bàn thờ thường chỉ là vạt phên tre giữa hai cột trong của gian giữa, bên trong có bát hương nhỏ, đến ngày Tết có thể được dán tờ tranh chủ ở giữa vẽ những thứ như ở một bàn thờ nhà khá giả, hai bên dán câu đối, cũng tạo ra một cảnh sắc trang trọng và sáng sủa để khỏi tủi vong linh ông bà. Ở những gia đình thuộc loại “thường thường bậc trung” trở lên, thì nơi ở là nhà ngói tường gạch. Ăn nhập với khung nhà bằng gỗ xoan sáng vàng hay gỗ lim đanh chắc, là những đồ gỗ, giường phản, có thể có sập gụ tủ chè sang trọng, thì bàn thờ được đóng đàng hoàng. Phần trong cùng là gác lửng đóng nối giữa hai cột trong, ngoài kê thêm sập thờ, nhang án, phía trên có treo hoành phi và hai bên treo câu đối sơn son thếp vàng. Trên bàn thờ có thể có khám, ngai hay ít ra cũng đặt bài vị được chạm khá cầu kỳ và sơn thếp cẩn thận. Trước bài vị được đặt bình hương sứ to để khi thắp những nén hương vừa gợi ra bầu trời sao, vừa dâng truyền ý nguyện con cháu lên những đấng anh linh ở thinh không, phía ngoài còn bát nước trắng và đĩa trầu cau. Có thể có thêm đỉnh trầm bằng đồng, bên cạnh có một hoặc hai chiếc độc bình vừa biểu hiện tâm không lòng thành vừa để cắm hoa trong ngày Tết và giỗ chạp. Hoa cắm thờ thường là hoa huệ biểu hiện trí tuệ với sự thanh cao cả ở hương và sắc, ngày Tết hay cắm cành đào rực hoa, vừa biểu hiện sắc Xuân với bầu trời rạng rỡ, vừa theo quan niệm xưa là để trừ ma quỷ. Lại còn cây đèn bằng đồng (hoặc gỗ sơn) để khi thắp đèn nến thì gợi ra cả vũ trụ với mặt trời. Nhang án gia đình khá giả được làm khá công phu với những ô hộc chạm tứ linh, dù đơn giản cũng phải được sơn thiếp, có khi được tính kích cỡ rất cẩn thận.

Bàn thờ ấy luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn” vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.

Chúng ta trong một thời gian dài có lúc nhận thức hời hợt về tín ngưỡng và tôn giáo, coi nhẹ đình, đền, chùa, làm đơn điệu hóa môi trường văn hóa làng, không ít cán bộ hiểu thô thiển cả về khái niệm duy tâm và duy vật, để tỏ ra “dứt khoát” với quá khứ và “đoạn tuyệt” với thần linh, ở nhà đã thu nhỏ bàn thờ, thậm chí bỏ đi hoặc đưa vào những chỗ phụ, khuất tối để không gây sự chú ý.

Thế rồi những năm gần đây, trong trào lưu đổi mới, nhiều người dù chưa rõ ranh giới giữa tín ngưỡng với mê tín, nhưng thâm tâm thấy việc thờ Tổ tiên là cần và đúng đạo lý. Và khi thấy nhiều đình, đền, chùa được xác nhận là di tích văn hóa - lịch sử, thì vững tin rằng nơi thờ Tổ tiên chí ít là điểm hội tụ truyền thống tốt của gia đình, và từ đó sẽ toả sáng giá trị văn hóa soi cho con cháu bước vào tương lai. Nhận thức đúng, nhưng việc làm có nơi chiếu lệ, có nơi lại thái quá, trong nhà - nơi nào cũng lập bàn thờ. Và trên bàn thờ gia tiên, ngoài bát hương và mấy thứ đồ thờ khác, có khi còn để không ít đồ nhựa, đồ điện, và ngay cạnh đấy là những tờ lịch. Tưởng làm thế là đẹp, nhưng khi trên ti vi và tờ lịch là những cảnh “tươi mát” hay ít ra là những cảnh “văn hóa bãi biển” thì môi trường nội thất ấy thật là phản văn hóa!

Bàn thờ Tổ tiên là biểu hiện nếp sống văn hóa, biết vun trồng gốc để cây đơm hoa đẹp, rồi kết trái ngọt, do đó nó cần thiết đối với mọi người, mọi nhà. Song ngôi nhà bây giờ đã khác trước, bàn thờ là một thành tố của nội thất cũng phải thích hợp với toàn cảnh. Ở nông thôn, ngôi nhà ít biến đổi, kiểu bàn thờ cổ truyền vẫn phát huy tác dụng; song với những ngôi nhà mái bằng thường có nhiều đồ gỗ kiểu mới và đồ điện hiện đại, thì chiếc hương án cầu kỳ lại không ăn nhập. Cũng thế, ở những khu tập thể, bên cạnh dãy nhà cấp 4 lụp xụp lại có những ngôi nhà hộp cao tầng, mỗi gia đình một căn hộ với hướng nhà và hướng cửa khá tuỳ tiện. Ở đấy, vấn đề bức bách là không gian, có thể dùng mặt tủ làm bàn thờ hoặc đóng cái giá gác làm lên tường, cần đặt ở vị trí trang trọng và có độ cao thích hợp để khi cúng thì mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính. Mặt tủ đã thành bàn thờ thì chỉ nên để đồ tế khí. Đã là bàn thờ phải có bát hương, có điều kiện thì thêm bình hoa, cây đèn, ống hương, hoa, đèn, nước, trái cây, đĩa xôi hoặc phẩm oản, và theo phong tục dân tộc thêm đĩa trầu cau.

Trong các gia đình, trừ trưởng tộc và trưởng chi vừa thờ tổ họ và tổ ngành vừa thờ gia tiên mình, các nhà con trưởng thì thờ mấy thế hệ gần nhất, còn từ đời thứ 5 thì nhập chung vào lễ tế Tổ, phần lớn các gia đình là con thứ, thì đồng thời theo thờ bố mẹ ở nhà con trưởng, còn thờ thêm ở nhà mình. Do đó nếu có chân dung Tổ tiên xa thì để ở nhà con trưởng, nhà con thứ chỉ cần thờ chân dung bố mẹ. Tuy nhiên, bàn thờ gia tiên là thờ chung, không cần thiết phải có chân dung, thường chỉ có bài vị tượng trưng. Chân dung chỉ cần thiết ở bàn thờ tang.

Bàn thờ Tổ tiên là một bộ phận trong không gian gia đình, nó tham gia vào nội thất với tính chất trang nghiêm, lịch sự và thẩm mỹ. Mỗi gia đình tuỳ không gian cho phép, tuỳ tương quan với tiện nghi sinh hoạt khác có thể làm những bàn thờ thích hợp và đồ tế khí phù hợp, làm sao cái đẹp ở đây phải đảm bảo văn hóa cả chiều sâu tâm linh và mặt bằng hình sắc.
 

Bình luận bằng Facebook

Bài mới nhất

Bên trên