Bà Rịa - Vũng Tàu :Phụ nữ nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp

lenhan91

Hợp Tác & Phát Triển CVT
Thành viên BQT
Administrator
Tham gia
18 Tháng sáu 2010
Bài viết
7,590
Điểm tương tác
1,643
images1390657_CHI_HUAN.jpg

Hiện nay, xưởng may của chị Nguyễn Thị Huấn (khu phố Long Sơn, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) đang tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em ở địa phương. 

Từ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và cơ quan chức năng, nhiều phụ nữ ở khu vực nông thôn đã mạnh dạn khởi nghiệp. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với bản chất cần cù, chịu khó, các chị đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để phát triển sản xuất - kinh doanh và giúp nhiều chị em khác cùng vươn lên...

MẠNH DẠN LÀM ĂN

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn… khởi nghiệp để từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp chị em khác cùng vươn lên.

Trước đây, chị Nguyễn Thị Huấn (ngụ tại số 63R, khu phố Long Sơn, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) làm công nhân may tại Xí nghiệp may Phương Nam (TP.Bà Rịa). Sau khi sinh con thứ 2, vì không thể tiếp tục tăng ca nên chị buộc phải nghỉ ở nhà. Từ sự động viên, giúp đỡ của Hội LHPN và gia đình, chị Huấn quyết định mở một xưởng may tại nhà. Để tìm đầu ra, chị Huấn đến Xí nghiệp may Phương Nam đặt vấn đề nhận may gia công và được lãnh đạo xí nghiệp đồng ý. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, hiện nay, xưởng may của chị Huấn có 10 máy may, với 7 công nhân làm tại xưởng và 6 người nhận hàng về nhà làm. Trung bình mỗi tháng, chị Huấn thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ xưởng may. Mỗi công nhân làm việc tại xưởng may của chị Huấn có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng.

images1390707_XUONG_MAY.jpg

Hiện nay, xưởng may của chị Nguyễn Thị Huấn đang tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Cách đây vài năm, phụ nữ thôn Phước Cường, xã Cù Bị (huyện Châu Đức) chủ yếu sống bằng nghề cạo mủ cao su. Công việc này nặng nhọc và thu nhập không ổn định do cao su liên tục mất giá. Sau khi tham gia lớp kỹ thuật đan lát do Hội LHPN xã tổ chức, chị Nguyễn Thị Lê (thôn Phú Cường, xã Cù Bị) đã đứng lên làm Tổ trưởng tổ đan lát và nhận đơn hàng từ DNTN Sản xuất thương mại Hiệp Hòa (ấp Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cho chị em trong thôn làm. Tham gia vào Tổ đan lát này, chị em không phải bỏ vốn, nguyên liệu đan giỏ và khuôn do DNTN Sản xuất thương mại Hiệp Hòa cung cấp. Sau khi hoàn thành sản phẩm sẽ giao lại cho DN và người làm được hưởng tiền công, mỗi sản phẩm được trả từ 20-75 ngàn đồng. Do đó, chị em có công việc ổn định quanh năm, với thu nhập 2,5-3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Tổ đan lát của chị Lê có 12 chị em tham gia. “Nghề đan giỏ lục bình không quá vất vả, lại dễ làm nên người có sức khỏe yếu cũng có thể làm được. Với công việc này, chị em vừa có thể tăng thêm thu nhập mà vẫn có thể làm việc nhà. Hiện nay, chị em trong Tổ đang phấn đấu thành lập hợp tác xã để thuận lợi hơn trong công việc”, chị Lê cho biết.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi của gia đình, chị Đào Thị Vẻ (ấp 1, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) vui vẻ cho biết, trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn do không có vốn để đầu tư sản xuất. Sau khi được Hội LHPN xã Hắc Dịch tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chị mua 2 con bò và đầu tư trồng bưởi. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên bò thường xuyên bị bệnh, bưởi ra trái nhưng bị rụng sớm…, khiến chị từng có ý định bỏ cuộc. Được sự động viên và hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN xã, chị tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi và trồng trọt. Từ kiến thức học được, chị tận dụng diện tích đất có sẵn để trồng ** cho bò ăn, lấy phân bò làm phân bón cho cây bưởi, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Đến nay, ngoài 100 gốc bưởi cho trái ổn định, chị Vẻ còn nuôi 10 con dê, 5 con bò đang chuẩn bị xuất chuồng. Năm 2016 vừa qua, chị Vẻ thu nhập gần 200 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình ổn định, chị Vẻ còn tích cực hỗ trợ chị em trong ấp về giống và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

images1390662_CHI_VE.jpg

Vườn bưởi nhà chị Đào Thị Vẻ (ấp 1, xã Hắc Dịch huyện Tân Thành) đạt doanh thu 100 triệu đồng/vụ. 
TIẾP SỨC CHO CHỊ EM

Từ đầu năm 2017 đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã huy động được 764,2 tỷ đồng giúp 67.100 lượt hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tiết kiệm để giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên…; đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… cho chị em. Đến nay, ngoài các mô hình nêu trên, còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế khác do phụ nữ làm chủ cho hiệu quả kinh tế cao và giúp nhiều chị em khác cùng vươn lên như: Mô hình “Nuôi bò sinh sản” của chị Nguyễn Thị Lợt (xã Láng Dài, Đất Đỏ); “HTX thực phẩm an toàn tiện lợi” của chị Nguyễn Thị Mai Phương (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc); “Tạo việc làm cho phụ nữ nghèo” của chị Tống Thị Lý (TP.Vũng Tàu)…

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, tháng 6 vừa qua, Hội LHPN tỉnh chính thức phát động phong trào phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo. Theo đó, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ phát triển kinh tế, phụ nữ khởi nghiệp bằng nhiều hình thức như: giúp chị em tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; huy động nguồn tiết kiệm tại chỗ của các chi, tổ Hội phụ nữ ở cơ sở; vận động hội viên có vốn nhàn rỗi cho chị em vay không tính lãi; hướng dẫn chị em cách lập đề án phát triển sản xuất kinh doanh; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… để chị em nắm vững, làm chủ quy trình sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: NGỌC HẢI

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017, với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; Hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; Hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu
 

Bình luận bằng Facebook

Bên trên