Chuồng nuôi chim trĩ cảnh

chuongchimcanh

Tiểu thương mới
Tham gia
6 Tháng năm 2019
Bài viết
39
Điểm tương tác
0
Được biết, giống trĩ dù nuôi với số lượng nhiều cũng không gây phiền hà cho xóm giềng. Chúng không kêu lớn đến nỗi inh ỏi điếc tai như gà sao, ngỗng, hoặc gà tây … Trĩ trống cũng biết gáy, nhưng chỉ siêng gáy vào mùa xuân. Tiếng gáy của trĩ trống có âm lượng vừa phải chứ không gáy to tiếng như gà ta, gà Tàu. Còn trĩ mái ngay lúc đẻ trứng còn không biết la cục tác, thỉnh thoảng nó chỉ phát ra tiếng kêu bầy đàn nho nhỏ mà thôi.

Địa điểm lập chuồng trại nuôi trĩ còn phải là nơi thoáng mát, cách xa khu vực ngập tràn rác rến, ô uế, hoặc nhiều cây tạp và ** dại … Đó là nơi có nhiều ruồi nhặng, chuột bọ, rắn rít và nhiều loài thú hoang khác cũng như côn trùng gây hại cho sức khoẻ của trĩ nuôi.

Ngoài việc chọn cho được cuộc đất ưng ý để lập trại, ta còn phải thực hiện những việc sau đây:

Chọn hướng chuồng nuôi chim trĩ cảnh thích hợp: Theo kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta để lại, mà cũng hợp với tính khoa học, hướng chuồng thích hợp nên quay về hướng Đông hoặc hướng Đông Nam mới đón nhận được nhiều sinh khí, giúp vật nuôi sống sởn sơ, mạnh khoẻ, mau lớn, lại tránh được nhiều tật bệnh.

Chuồng gà quay về một trong hai hướng này thì hằng ngày đều đón nhận được nhiều ánh nắng ban mai rọi vào, giúp các ngõ ngách khắp khu trại được ấm áp khô ráo.

Nhờ có ánh nắng ban mai rọi vào nên chim trĩ nuôi trong chuồng mới có cơ hội tốt để hong khô bộ lông vũ, làm ung hết các loại trứng của ký sinh trùng rận mạt không để cho chúng có cơ hội sinh sôi nảy nở, đồng thời giết chết hết rận mạt đang sống bám vào da thịt trĩ để hút máu. Đó là chưa nói các loại vi trùng, vi khuẩn khác vốn là mầm mống gây ra nhiều thứ bệnh tật cho trĩ nuôi cũng bị tiêu diệt hết.

Ánh nắng ban mai như các bạn đã biết, có chứa nhiều tia cực tím giúp cơ thể chim trĩ tự tổng hợp được nhiều vitamin D3 cần thiết cho sự sinh trưởng của trĩ, như giúp khung xương được cứng chắc, sức khoẻ được dồi dào … Cũng nhờ hấp thu vitamin D3 mà trĩ mái để sai, trứng lớn, vỏ trứng dày.


chuồng nuôi chim trĩ cảnh

Nền chuồng: Chuồng nuôi chim trĩ ngoài việc có mái nên lợp bằng tôn lạnh có chiều cao cách nền chuồng khoảng 4 mét mới tạo được sự thông thoáng mát mẻ. Xung quanh là các vách, nếu không xây tường gạch thì cũng dùng tôn để tránh bị mưa tạt gió lùa. Vách cần được trổ nhiều cửa sổ cho thoáng mát. Cửa sổ được bịt kín bằng lưới kẽm để ngăn ngừa trĩ nuôi đào thoát ra ngoài, đồng thời cũng tránh được sự xâm nhập của bọn trộm cắp từ bên ngoài.

Phần nền khu trại nên tráng xi măng hoặc lót gạch Tàu, vừa sử dụng được bền lâu, lại vừa hợp vệ sinh do tiện việc quét dọn.

Nền chuồng nuôi chim trĩ cần có độ bằng phẳng để dễ dàng kê đặt các ngăn chuồng được ngay ngắn, thẳng hàng lối. Đối với những ngăn chuồng nuôi chung nhiều cá thể trĩ lại cần có nền chuồng bằng phải để lót lớp vỏ trấu hoặc cát, dày khoảng 10cm cho trĩ đi được êm chân lại không hại đến bộ móng (trấu hoặc cát này cần phải được thay mới theo định kỳ để giữ vệ sinh cho chuồng trại).

Tạo sân tắm nắng: Khu chuồng trại nuôi trĩ tập thể ta cần phải tạo sân nắng để mỗi sáng các chim hậu bị hay chim sinh sản được tự do ra đó đi lại, vận động ngoài trời dưới ánh nắng ban mai ấp áp. Nhờ hằng ngày được tự do vận động ngoài trời như vậy nên trĩ nuôi mới có cơ hội tốt để tăng thêm sức đề kháng mà sinh trưởng tốt hơn.

Sân nắng là khu đất trống nằm tiếp giáp với chuồng nuôi chim trĩ, có trổ cửa thông nhau. Bao quanh sân nắng, kể cả phần nóc bên trên phải được phủ kín bằng lưới B40 hoặc lưới kẽm, nhờ đó mà trĩ không thể đào thoát ra ngoài.

Diện tích sân nắng rộng hẹp bao nhiêu là còn tuỳ thuộc vào cuộc đất, vào nhu cầu thực tế và tuỳ vào ý thích của chủ nuôi. Có điều sân nắng làm rộng quá sẽ tốn nhiều phí, mà hẹp quá lại không đủ chỗ cho đàn trĩ vận động thoải mái. Điều cần là sân nắng cần phải có độ cao trên 2m mới tốt.

Nền sân nắng có thể tráng xi măng để tiện quét dọn, hoặc là nền đất bình thường. Điều yêu cầu là nên phải cao ráo, không bị úng ngập, bên trong có thể trồng rau ** để làm thức ăn cho trĩ, bên ngoài nếu có tàn cây to che phủ bóng mát một phần sân cũng tốt. Nên chọn một góc sân đào cái hố rộng độ vài ba mét vuông, đổ cát xuống đó để chim trĩ vùi mình tắm cát thoả thích. Nhờ được sưởi nắng sớm và tắm cát như vậy, bộ lông của chim trĩ mới sạch sẽ, sáng bóng hơn vì đã tiêu diệt được hết các mầm móng ký sinh trùng, rận mạt sống chui rúc trong đó để chờ cơ hội hút máu.

Nếu bên trong sân nắng có trồng rau ** thì thế nào cũng có nhiều côn trùng như trùn, dế, cào cào … xuất hiện. Đây là thức ăn chứa nhiều chất đạm động vật mà chim trĩ rất thích.

II. Kiểu chuồng nuôi chim trĩ

Nhìn chung, chuồng chim trĩ cảnh cũng không khác mấy với chuồng gà. Chuồng cũng có hình khối vuông hay khối chữ nhật (nếu chỉ nuôi một vài cá thể, nhiều lắm cũng độ mươi cá thể trở lại). Còn nuôi tập thể với số lượng nhiều như cách nuôi chim trĩ hậu bị hoặc trĩ thịt thì phải có ngăn chuồng rộng hơn, như vậy chúng mới có chỗ xoay trở, sinh hoạt thoải mái.Sự khác biệt giữa chuồng nuôi chim trĩ và chuồng gà là chuồng trĩ có diện tích rộng hơn, chiều cao cao hơn. Vì như bạn cũng biết, tuy thân mình chim trĩ dù đến tuổi trưởng thành nhưng chỉ có trọng lượng bằng con gà giò, chừng một ký rưỡi, nhưng do cái đuôi dài từ 40 đến 80cm, tuỳ giống, nên phần diện tích chuồng dành cho mỗi cá thể phải rộng rãi mới phù hợp.

Chẳng hạn với một mét vuông chuồng ta có thể nuôi được ba, bốn con gà đẻ công nghiệp, nhưng với chim trĩ thì diện tích đó chỉ nuôi một cá thể trống đã … chật chội rồi!

Đó là chưa nói đến việc phải tuỳ vào từng giai đoạn sinh trưởng của trĩ mà ta nuôi chúng bằng những kiểu chuồng khác nhau để phù hợp với vóc dáng của chúng. Chẳng hạn trĩ con mới bốn, năm tuần tuổi trở lại cần có chuồng úm để nuôi; trĩ trưởng thành nếu số lượng ít thì nuôi chuồng đơn còn số lượng nhiều thì nuôi tập thể trong ngăn chuồng rộng rãi, kề bên có sân nắng mới đúng kỹ thuật. Nuôi chim trĩ sinh sản cũng nuôi theo cách này.

Chuồng úm: Chim trĩ mới nở ra khỏi vỏ rất yếu chịu lạnh không nổi, mà trĩ con được vài ba tuần tuổi cũng không năng động được bao nhiêu. Với sức ươm yếu này, nếu không được nuôi dưỡng trong lồng úm với nhiệt độ ấm áp và được chủ nuôi thường xuyên chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ trong mấy tuần tuổi đầu, chắc chắn trĩ con sẽ bị chết bớt.

Chuồng úm chim trĩ trông cũng không khác gì loại chuồng úm gà con công nghiệp. Chuồng có dạng hình khối vuông hay khối chữ nhật, với kích thước thông thường chừng 0,5 x 1m hoặc 0,6 x 1m. Chiều cao của chuồng úm khoảng 40cm là vừa.

Chuồng úm thường làm đơn sơ bằng khung gỗ, bốn mặt xung quanh đóng bằng ván mỏng hay bìa các tông để che kín gió. Mặt trên được đóng bằng lưới kẽm mắt nhỏ có bề cạnh 1cm, có chừa cửa nhỏ đủ rộng để ta đưa tay vào mỗi khi cần cho trĩ con ăn uống hay chăm sóc chúng. Mặt kẽm phía trên này có công dụng tạo sự thông thoáng cho lồng úm, và là nơi để ta quan sát bầy trĩ sinh sống bên trong … Mặt đáy của chuồng úm, nếu không đóng bằng lưới kẽm mắt nhỏ thì ta có thể ghép bằng những nẹp gỗ được bào láng, sao cho khoảng cách giữa hai nẹp chỉ 1cm, vừa chỗ cho chất thải của trĩ con lọt hết xuống máng phân bên dưới, và chân của trĩ con không bị lọt qua khe hở này.

Với diện tích chuồng khoảng 5 tấc vuông đó ta có thể úm được 50 trĩ con dưới 2 tuần tuổi, hoặc 30 trĩ con dưới 4 tuần tuổi. Nói dễ hiểu hơn, cũng diện tích chuồng úm này, lúc trĩ mới nở ta úm cùng lúc 50 con. Nhưng 2 tuần sau đó, số trĩ con này đã lớn hơn trước nên phải dời bớt sang chuồng úm khác để chúng có đủ chỗ mà sinh trưởng tốt hơn.

Dù đã được che chắn ấm áp, khí lạnh bên ngoài khó lọt vào, nhưng bên trong lồng úm cần được mắc hai bóng đèn tròn, loại 40 watt dùng trong mùa nắng ấm, và loại 60 watt dùng sưởi ấm cho trĩ con trong mùa lạnh hay giông bão.

Hai tuần lễ đầu, đèn được thắp sáng suốt ngày đêm. Qua tuần tuổi thứ ba, trĩ đã có thân nhiệt để sưởi ấm cho nhau nên chỉ ban đêm mới sử dụng đến đèn điện. Đến tuần tuổi thứ tư, ta chỉ cần bật đèn sưởi ấm cho trĩ vào lúc nửa đêm về sáng, nhất là khi bên ngoài thời tiết quá lạnh hoặc đang mưa to gió lớn …

Nói chung, nhiệt độ chuồng úm trong tuần lễ đầu phải đạt từ 32 đến 35 độ C, và những tuần tuổi kế tiếp nên hạ xuống từ 30 đến 32 độ C là vừa …

Tuy trên lý thuyết là vậy, nhưng hàng ngày nếu bất chợt quan sát thấy đàn trĩ con dồn cục chen chúc nằm sát vào nhau để sưởi ấm thì ta nên hiểu là nhiệt độ trong chuồng úm lúc đó không đủ để sưởi ấm và phải tìm cách tăng nhiệt độ lên cao hơn … Ngược lại, nếu thấy bên trong đàn trĩ con tỏ ra uể oải mệt nhọc, con nào cũng há to mỏ ra để thở thì nên hiểu nhiệt độ trong chuồng úm lúc đó đã quá cao, khiến không khí nóng bức đến ngột ngạt khó thở và việc cần làm ngay là tắt bớt đèn …

Kiểu chuồng nuôi chim trĩ lứa: Trĩ lứa là loại chim trĩ từ ba tháng tuổi đến năm tháng tuổi. Ở vào lứa tuổi này (nếu là gà thì gọi là gà giò), mỗi con đã đạt trọng lượng từ 300gr đến 700gr. Đây là cái tuổi ‘mau ăn chóng lớn’ nên nếu được nuôi đúng kỹ thuật, chúng sẽ tăng trọng nhanh.

Trĩ ở vào lứa tuổi này, đa số là trĩ hậu bị, tức là trĩ đã được tuyển chọn qua nhiều đợt để dành làm chim giống sau này. Chuồng nuôi chúng thường là loại chuồng tập thể, nuôi nhiều cá thể chung một chuồng, tính sao cho một mét vuông diện tích chuồng nuôi được vài ba con trĩ lứa là được.

Chuồng tập thể: Chuồng nuôi chim trĩ lứa tập thể, nền chuồng nên tráng xi măng hoặc lót gạch Tàu để tiện cho khâu làm vệ sinh chuồng trại, dù biết như vậy sẽ tốn kém, nhưng bù lại sử dụng được bền lâu. Trên nền chuồng nên lót một lớp dày độ 15cm rơm rạ khô (cắt khúc ngắn 5cm) hoặc thay vào đó là lớp vỏ trấu hoặc mạt cưa … có tác dụng hút ẩm, đồng thời giúp chim đi lại được êm chân và không bị hư móng … Vách chuồng bốn bên nếu không xây gạch thì cũng nên ghép kín bằng ván gỗ hoặc tôn để che chắn mưa tạt gió lùa. Điều không thể thiếu là các vách hông nên trổ nhiều cửa sổ để chuồng lúc nào cũng thông thoáng. các cửa sổ này nên được bít bằng lưới thép B40, có rèm che mưa gió và khí lạnh bên ngoài lọt vào.

Tiếp giáp với khu chuồng là khoảnh sân nắng lộ thiên, nơi hằng ngày trĩ được lùa ra đây tắm nắng, tắm cát, vừa có cơ hội hấp thu được nhiều vitamin D3, vừa diệt được hết các ký sinh trùng rận mạt, như Farmvina đã trình bày ở phần trên.

Xin được lưu ý là hàng ngày lùa trĩ ra sân tắm nắng, ta không phải đặt máng ăn, nhưng cần có nhiều máng nước, phòng ngừa khi khát chúng có sẵn nước mà uống thoả thích. Mặt khác, trong chuồng nuôi cũng như ngoài sân nắng của trĩ ta nên bắc cây làm giàn cho trĩ bay lên đậu, như tập tính sống của chúng ngoài tự nhiên. Giàn làm bằng những cây tầm vông cứng chắc đem gác dọc theo vách chuồng, với độ cao cách nền chuồng khoảng 1,5m, và cách xa vách khoảng 80cm mới tốt, vì với khoảng cách đó trĩ bay lên bay xuống giàn sẽ không bị gãy lông đuôi.

Loại chuồng đơn: Trong trường hợp có cuộc đất hẹp và nuôi với số lượng trĩ không nhiều, ta nên chọn loại chuồng đơn mà nuôi cho tiện. Gọi là chuồng đơn vì đó là chuồng có diện tích hẹp theo từng ngăn riêng lẻ, hoặc chuồng được chia ra thành nhiều ngăn có vách chung, mỗi ngăn như vậy chỉ nuôi nhốt được một hay vài con chim trĩ trưởng thành, hoặc ba, bốn con chim trĩ lứa.

Được nuôi trong loại chuồng này, chim trĩ chỉ ăn ngủ tại chỗ, không thể vận động thoải mái được. Mặc dầu tên gọi là chuồng đơn, nhưng để nuôi trĩ thì diện tích của mỗi ngăn cũng phải khá rộng, hẹp lắm cũng có bề cạnh 1m x 1,5m, chiều cao từ 1,5 đến 2m, đủ nuôi được một đến 2 cá thể chim trĩ.

Loại chuồng đơn này thường được dùng để nuôi chim trĩ kiểng, mà cũng có thể nuôi được một đôi chim trĩ trống mái cho sinh sản.

Để chim trĩ nuôi có chỗ vận động thoải mái hơn, các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, máng khoáng đều phải được treo phía ngoài vách chuồng. Mỗi khi cần ăn uống, trĩ biết đưa đầu ra ngoài chuồng, nơi có đặt máng sẵn để ăn uống nên rất tiện lợi. Tất nhiên, những nơi đặt các dụng cụ chăn nuôi này phải có chừa sẵn nhưng khoảng trống ở vách chuồng, đủ chỗ cho trĩ nuôi đưa cả phẩn đầu cổ ra ngoài mà không bị vướng víu mới được.

Thật ra nuôi trĩ theo cách này tốn thêm công cho ăn uống cũng như làm vệ sinh chuồng. Những bù lại ta đỡ tốn công theo dõi hay kiểm soát sức khoẻ của từng cá thể một, nhất là đối với trĩ đẻ. Mái nào sinh sản kém lại có tật ăn trứng sẽ bị phát hiện không mấy khó khăn …

Chuồng nuôi chim trĩ thịt: Chuồng nuôi chim trĩ thịt không cần có khoảnh sân nắng cạnh bên, vì người nuôi cố tình hạn chế sự vận động của chim, để chim khỏi tiêu hao năng lượng, nhờ đó mới mau mập mà xuất chuồng.

Nuôi chim trĩ thịt vì mục đích muốn vỗ béo nhanh để xuất chuồng nên chỉ được nuôi trong diện tích chuồng chật hẹp: một mét vuông nuôi khoảng vài ba cá thể. Chung quanh chuồng nuôi tập thể này là vách bít bùng nên cả ngày trĩ được … ăn no ngủ kỹ.

Để chuồng được thông thoáng cho chim được hít thở dưỡng khí bên ngoài tràn vào, ta nên trổ nhiều cửa sổ. Các cửa sổ này đều được giăng kín lưới kẽm hoặc lưới B40. Mỗi cửa sổ đều được lắp cánh cửa để mở ra vào ban ngày và đêm hôm thì đóng kín lại nhằm ngăn ngừa không khí lạnh tràn vào, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của chim trĩ thịt nuôi bên trong.

Trong chuồng chim trĩ, bên trên ta vẫn làm giàn cho chim đậu ngủ, và khắp nền chuồng nên rải một lớp dày vỏ trấu hoặc cát, mạt cưa để hút ẩm. Các vật liệu dùng rải nền chuồng này cần được thay mới định kỳ. Và mỗi lần tổng vệ sinh như vậy, nền chuồng cần được tẩy rửa kỹ với thuốc sát trùng mới hợp vệ sinh …

Nói chung, chuồng nuôi chim trĩ đòi hỏi phải thông thoáng (trừ chuồng úm trĩ con). Vách chuồng phải xây bằng gạch, hay dùng tôn, ván dừng kín lại, như vậy mới ngăn chặn được trĩ nuôi bên trong đào thoát ra ngoài, mà lũ mèo chuột, chim hoang bên ngoài cũng không thể lọt vào trong để ăn trứng, tranh cướp thức ăn của trĩ lớn và giết hại trĩ con.
 

Bình luận bằng Facebook

Bên trên