"Nghẹt thở" khách sạn mini, nhà nghỉ ở khu dân cư

lenhan91

Hợp Tác & Phát Triển CVT
Thành viên BQT
Administrator
Tham gia
18 Tháng sáu 2010
Bài viết
7,590
Điểm tương tác
1,643
images1394137_nha_nghi_duong_thuy_van.jpg

Nhiều nhà ở tại khu phố 1 (đường Thùy Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) được cải hoán thành nhà nghỉ, khách sạn mini.
Hàng trăm khách sạn mini, nhà nghỉ hình thành tại các khu dân cư trên địa bàn TP.Vũng Tàu trong thời gian qua đã góp phần cung ứng thêm một lượng phòng đáng kể cho ngành du lịch. Thế nhưng, tình trạng này cũng đang phát sinh nhiều hệ lụy như: chất lượng dịch vụ thấp, cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ khủng hoảng thừa phòng, không gian du lịch lộn xộn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị…

VỠ QUY HOẠCH KHU DÂN CƯ

Nằm trên địa bàn phường 2, khu Á Châu được quy hoạch là khu dân cư nhưng hiện nay, có hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ được cải hoán từ nhà ở nằm san sát nhau, vây kín các con đường trong khu vực này. Chẳng hạn, đường Phan Huy Chú dài chưa đầy 500m (từ Hoàng Hoa Thám đến Phan Chu Trinh) có đến hơn 50 khách sạn, nhà nghỉ. Đường Bàu Sen 2 cũng có vài chục khách sạn dù chỉ dài khoảng 200m. Tương tự, trên các tuyến đường Bàu Sen 4, Bàu Sen 7, Phan Huy Ích…, khách sạn, nhà nghỉ cũng dày đặc, nằm xen lẫn nhà dân. Ngày cuối tuần, lễ, Tết, do lượng khách đến lưu trú đông nên khu vực này thường xuyên bị kẹt xe.

Tương tự, khu dân cư Đinh Tiên Hoàng (nằm trên địa bàn phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) được quy hoạch cách đây gần 30 năm, gồm các tuyến đường: Phó Đức Chính, Phan Văn Trị, La Văn Cầu, Dã Tượng… cũng ken đặc nhà nghỉ, khách sạn. Theo thống kê của Công an TP.Vũng Tàu, khu vực này hiện có 117 cơ sở kinh doanh lưu trú, chủ yếu là khách sạn, nhà nghỉ với diện tích nhỏ hẹp.

Có mặt tại khu dân cư Đinh Tiên Hoàng vào chiều 18-11, chúng tôi ghi nhận, các con đường ở đây hẹp, lại bị các hộ kinh doanh chiếm dụng để xe hoặc bày bán hàng hóa, nên rất dễ xảy ra ùn tắc. Ông Nguyễn Thanh Hiền (đại diện nhà nghỉ Thuận Hiền, số 10, Phó Đức Chính, phường Thắng Tam) cho biết, những khi đông khách, ngoài ùn tắc giao thông cục bộ, việc du khách thức khuya vui chơi, đàn hát gây ồn ào là chuyện thường ngày ở đây. “Khu vực này trước đây vốn là khu dân cư nhưng giờ chỉ còn những gia đình vừa ở vừa kinh doanh lưu trú, còn những hộ chỉ ở đơn thuần thì đã bán nhà đi nơi khác vì không chịu được sự ồn ào, huyên náo”, ông Hiền cho biết thêm.

Ông Trần Đình Nguyên, chủ khách sạn Thanh Bình (18, La Văn Cầu, phường Thắng Tam) chia sẻ, kinh doanh lưu trú bây giờ khó khăn hơn trước rất nhiều dù lượng khách đến TP.Vũng Tàu vẫn đông nhưng sức bán phòng chậm hơn. Nguyên nhân là do nhiều loại hình lưu trú mới ra đời, chia sẻ bớt khách. Thời điểm này, khách trả 250 ngàn đồng/đêm (giá niêm yết 600.000 đồng) cũng phải cho thuê để có nguồn thu trang trải chi phí điện, nước, mướn người làm.

images1394138_ks_duy_ninh.jpg

Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra các quy định về kinh doanh lưu trú tại khách sạn Duy Ninh (số 18, Phan Văn Trị, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). 
KHÔNG ĐỂ BÌNH DÂN HÓA DU LỊCH VŨNG TÀU

Theo bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, tình trạng nhiều nhà nghỉ, khách sạn mini ở khu vực Bãi Sau, khu Á Châu chuyển đổi công năng từ nhà ở sang đón khách du lịch, không quan tâm đến chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp, bài bản trong phục vụ… khiến bộ mặt chung của du lịch địa phương ngày càng bình dân hóa, gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng, nhất là giao thông, không gian du lịch lộn xộn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 11-8-2017, TP.Vũng Tàu và Sở Xây dựng đã thống nhất: Tại khu dân cư Đinh Tiên Hoàng, chỉ chấp thuận cho xây dựng công trình nhà ở kết hợp du lịch, dịch vụ với quy định về chiều cao từ 6 - 10 tầng đối với các lô đất có chiều ngang từ 7 - 10m và phải bảo đảm các điều kiện PCCC, hệ thống xử lý nước thải, bãi để xe… Bên cạnh đó, TP.Vũng Tàu tiến hành lập đề án cấm xe ô tô lưu thông vào các tuyến đường trong khu vực này để tránh gây ùn tắc khi lượng khách tăng cao. Đối với khu Á Châu và Khu đô thị Chí Linh, TP.Vũng Tàu và Sở Xây dựng thống nhất không cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sang dịch vụ du lịch.

images1394179_pho_nha_nghi_pha_van_tri.jpg

Đường Phan Văn Trị (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) khách sạn dày đặc, vỉa hè hẹp, lại bị lấn chiếm nên du khách phải đi bộ dưới lòng đường.
Bà Hường cũng cho hay, hiện nay, UBND TP.Vũng Tàu đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Bãi Dâu, đường Trần Phú (cả trên bờ và phía biển). Để việc đầu tư xây dựng được đồng bộ, UBND TP.Vũng Tàu sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh tạm ngưng xem xét chủ trương đầu tư mới cho các dự án có quy mô nhỏ lẻ ven biển, phía trên núi và dưới biển khu vực Bãi Dâu, đường Trần Phú để chờ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (dự kiến hoàn thành vào Quý III-2018) và sau khi UBND tỉnh có hướng dẫn về việc thực hiện điều 79, Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo. “Đối với các loại hình lưu trú mới như: căn hộ, biệt thự du lịch, hostel, UBND thành phố giao Đoàn kiểm tra liên ngành Du lịch và Dịch vụ từ nay đến cuối năm phải kiểm tra, nắm tình hình hoạt động, việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở trên”, bà Hường cho biết.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã hoàn thành đợt thống kê kết hợp kiểm tra tất cả cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh. Riêng tại TP.Vũng Tàu, Sở Du lịch thống kê được gần 600 cơ sở lưu trú, trong đó gần 80% là khách sạn mini, nhà nghỉ nhỏ. Qua thống kê, Sở Du lịch nhận thấy, hơn 60% cơ sở lưu trú tại TP.Vũng Tàu chưa chấp hành các quy định về kinh doanh, thiếu phương án PCCC, ANTT, sử dụng lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ, cơ sở vật chất xập xệ, không làm thủ tục thẩm định, xếp hạng… “Sở Du lịch đang tổng hợp nhu cầu đào tạo từ các địa phương để xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ khách sạn, kỹ năng mềm, nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ cho các cơ sở lưu trú; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt để siết chặt chất lượng phục vụ, siết chặt việc thẩm định cơ sở lưu trú”, ông Trịnh Hàng cho biết.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
 

Bình luận bằng Facebook

Bên trên